Thứ sáu, 30.12.2011 GMT+7

Khi thủy điện "ép" vườn quốc gia

Từ những dự án cách xa 6 km, thủy điện đang chuẩn bị về “sống” trong lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Xung quanh Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên có tổng cộng 6 dự án với 10 công trình thủy điện đang triển khai: Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, Đồng Nai 7, Đức Thành và bậc thang Tà Lài - Phú Tân 1 - Phú Tân 2 - Thanh Sơn - Ngọc Định. Hệ thống thủy điện này đang dấy lên trong giới khoa học một nỗi lo về tổ hợp nguy hiểm đối với hệ sinh thái VQG Cát Tiên khi đưa vào xây dựng và vận hành.

Nỗi lo từ vùng đệm

Bậc thang thủy điện Tà Lài - Phú Tân 1 - Phú Tân 2 - Thanh Sơn - Ngọc Định, tách ra từ dự án thủy điện Đồng Nai 8, được xem là dự án cách xa VQG Cát Tiên nhất: 6 km. Thủy điện Đức Thành “nhích” dần đến nằm trong vùng đệm, cách ranh giới VQG khoảng 4 km. Còn thủy điện Đồng Nai 7 gần như đã áp sát VQG khi khoảng cách chỉ tròm trèm… 500 m! Khoảng cách địa lý từ thủy điện đến ranh giới VQG là một trong những viện dẫn từ các chủ đầu tư rằng dự án của họ không ảnh hưởng đến VQG. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Quản lý VQG Cát Tiên, vì nằm quá gần, việc xây dựng và vận hành thủy điện Đồng Nai 7 chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hệ sinh thái nơi đây.

Riêng bậc thang thủy điện Đồng Nai 8 và Đức Thành, dù không tác động trực tiếp đến tài nguyên nhưng các dự án này gián tiếp gây ra các ảnh hưởng không kém nguy hiểm. Việc xây dựng các công trình thủy điện sẽ thu hút dân cư trong vùng di dân tự do từ nơi khác đến khu vực vùng ven công trình để sinh sống, làm gia tăng dân số tại khu vực, qua đó làm tăng mối đe dọa đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Mặt khác, việc ngăn đập các công trình sẽ ngăn dòng chảy tự nhiên làm cản trở trao đổi các động vật thủy sinh ở hạ lưu với các bàu nước và con suối trong VQG. Hoạt động này cũng tạo thành lòng hồ phía gần VQG dẫn đến nạn khai thác cát, nuôi cá bè gây ô nhiễm nguồn nước.

Thực tế thời gian qua đã chứng minh mọi tác động ở vùng đệm đều ảnh hưởng đến vùng lõi VQG. Chính vì vậy, song song với việc bảo tồn VQG Cát Tiên, các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước không ngừng bảo vệ, phát triển vùng đệm, tránh sự xâm hại từ bên ngoài.

Nguy cơ không còn hệ ngập nước!

Trước kia, VQG Cát Tiên như được tách biệt, ngăn cách với bên ngoài, khá lý tưởng cho công tác bảo tồn. Gần đây, tình trạng người dân từ các nơi di cư đến sinh sống quanh khu vực VQG đã tạo thêm áp lực lớn đối với vấn đề vi phạm tài nguyên rừng trong khu vực. Rất nhiều hội thảo được tổ chức để tìm cách di dời người dân ra khỏi khu vực bảo tồn, tuy nhiên vẫn chưa tìm được giải pháp khả quan để tháo gỡ bài toán kinh tế hậu di dời.

Chỉ có phía Bắc VQG là cách xa khu dân cư nhưng hiện nay, “cửa Bắc” lại bị chặn bởi thủy điện Đồng Nai 5. Theo quy hoạch ban đầu, thủy điện này sẽ làm ngập nước khoảng 200 ha VQG nhưng do mức độ ảnh hưởng đến hệ sinh thái VQG quá lớn, thủy điện này đã được Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch ra bên ngoài, cách ranh VQG khoảng 1 km.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, thủy điện Đồng Nai 5 vẫn là mối đe dọa lớn cho VQG vì quá trình xây dựng và vận hành sẽ phát sinh tiếng ồn, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các loài thú quý hiếm sống trong VQG như tê giác, vượn đen má vàng, bò tót… - những loài khá nhạy cảm với thay đổi của môi trường. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển nguyên liệu xây dựng và vận hành của thủy điện cũng sẽ gây cản trở đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Riêng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, nếu được phê duyệt thì sẽ nằm hẳn trong VQG, tại Khu Phục hồi sinh thái và Bảo vệ nghiêm ngặt của VQG. Tương tự, nếu thủy điện Đồng Nai 5, Đồng Nai 6 được phê duyệt thì sẽ đe dọa trực tiếp đến hệ ngập nước Ramsar - Bàu Sấu, dẫn đến nguy cơ không còn hệ ngập nước “độc nhất vô nhị” này. Hiện nay, VQG Cát Tiên đã được Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ đăng ký là khu di sản thiên nhiên của thế giới.

“Việc xây dựng 3 thủy điện này cũng như nhiều thủy điện vây quanh VQG Cát Tiên sẽ gây ảnh hưởng đến công tác đề cử và thẩm định khu di sản thiên nhiên của thế giới”- ông Thành lo lắng.

“Ngốn” rừng đầu nguồn, tạo hiệu ứng domino

Có thể thấy vòng vây thủy điện “siết” VQG đều là các thủy điện nhỏ và vừa nhưng khả năng “ngốn” rừng đầu nguồn và VQG thì không hề nhỏ: trung bình 1,5 ha/MW điện. Khoảng cách càng ngắn, công suất “ngốn” càng tăng: Đồng Nai 5 “ngốn” 1,3 ha rừng/MW, Đồng Nai 6 là 1,5 ha/MW, Đồng Nai 6A là 1,6 ha/MW và nhiều nhất là các thủy điện mini tách ra từ Đồng Nai 8 với 2,2 ha/MW.

Xét về vị trí, các thủy điện này trên dòng chính sông Đồng Nai và gần như liền kề nhau. Ví dụ, phần thượng lưu, Đồng Nai 5 đang xây dựng công trình liên hồ chứa của Đồng Nai 3 (dung tích lên đến 903 triệu m3) và Đồng Nai 4 (dung tích 16,7 triệu m3). Khoảng cách từ Đồng Nai 3 đến Đồng Nai 6A chỉ khoảng 130 km.

Theo các chuyên gia về thủy lợi, việc các thủy điện vừa và nhỏ xếp sít nhau thành các bậc thang thủy điện trên một dòng sông sẽ tạo ra nguy cơ về hiệu ứng domino nếu một trong số bậc thang đó bị sự cố. Chưa kể, trong quá trình vận hành, nếu lượng mưa nhiều, các thủy điện sẽ xả lũ đồng loạt để bảo đảm an toàn cho đập thủy điện nên gây nguy cơ lũ lụt cao, không chỉ đe dọa đến môi trường sống của sinh vật VQG mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vùng hạ lưu.

Bên cạnh đó, vào mùa khô, các thủy điện lại tích nước dẫn đến nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu và gia tăng nguy cơ cháy rừng.

Đường dẫn của bản tin này: http://thongcong.com.vn//.html&t=khi-thuy-dien-ep-vuon-quoc-gia
© Thông cống, Thong cong, Dịch vụ thông cống - 24/24h “Gọi là có”Email: vinhquangvip@gmail.com